
Văn bản pháp quy
Trích yếu nội dung |
---|
Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả vận động, kết nạp hội viên nông dân trong tình hình mới, giai đoạn 2018-2023 |
Nội dung chi tiết |
ĐỀ ÁN Đổi mới, nâng cao hiệu quả vận động, kết nạp hội viên nông dân trong tình hình mới, giai đoạn 2018-2023 ----- Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018-2023 và nhằm góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả vận động, kết nạp hội viên nông dân trong tình hình mới, giai đoạn 2018-2023. PHẦN THỨ NHẤT SỰ CẦN THIẾT XÂY ĐỀ ÁN
I. Thực trạng công tác phát triển hội viên trong nhiệm kỳ 2013-2018 Hội Nông dân thành phố có 07 quận, huyện hội và 42 tổ chức cơ sở Hội hơn 42.000 hội viên và gần 53.000 hộ sản xuất nông lâm ngư nghiệp[1]. Đội ngũ cán bộ Hội cấp huyện và cơ sở có 112 đồng chí (huyện 28, cơ sở 84), số ủy viên BCH cấp xã là 674 đồng chí ( trong đó nữ 150 đồng chí ). Đội ngũ BCH Hội Nông dân cơ sở có trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học đạt 77%, chưa qua đào tạo 22,7%, trên đại học đạt 0,3%; trình độ lý luận chính trị chủ yếu là sơ cấp, trung cấp (37,24%), cử nhân, cao cấp (0,1%), hầu hết chưa được bồi dưỡng lý luận chính trị (62,66%). Số ủy viên Ban Chấp hành cấp xã tái cử là 471 đồng chí (chiếm 69,88%) và tham gia lần đầu là 203 đồng chí (chiếm 30,12%). Trong nhiệm kỳ qua, đã phát triển được 11.986 hội viên mới, nâng tổng số hội viên toàn thành phố lên 43.816 người[2]; tỷ lệ số hội viên so với tổng số hộ nông dân thành phố đạt 79,6%; tổng số hội viên được phát thẻ là 36.295, đạt 83% trên tổng số hội viên (tăng 12%). Hội viên nông dân ưu tú được kết nạp vào Đảng trong nhiệm kỳ là 547 người, nâng tổng số hội viên là đảng viên lên hơn 3.100 người. Sinh hoạt chi, tổ hội được duy trì thường xuyên; 100% chi, tổ hội thực hiện việc thu, nộp hội phí đúng quy định; 99% chi, tổ hội thực hiện tốt công tác xây dựng quỹ hội, với tổng số tiền hơn 3,1 tỷ đồng, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên nông dân với tổ chức Hội; hàng năm có 99% cơ sở hội được đánh giá, xếp loại vững mạnh[3]. Việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của chi, tổ hội được chú trọng; xây dựng điểm chi, tổ hội nghề nghiệp tại 7/7 quận, huyện làm cơ sở cho việc vận động nông dân hình thành các hình thức tập hợp hội viên mới, hiệu quả hơn. Nhiệm kỳ 2013 - 2018, nhất là sau khi BCH Thành Hội ban hành Chương trình hành động số 01-CTr/HNDT “Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức cơ sở Hội từ nay đến năm 2018” công tác xây dựng tổ chức Hội nói chung, công tác phát triển hội viên gắn với nâng cao chất lượng hội viên trong các cấp Hội nói riêng được BCH, BTV các cấp quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định. II. Những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác vận động, tuyên truyền phát triển hội viên chưa đạt theo yêu cầu Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố lần thứ VII, nhiệm kỳ 2013-2018 đã đề ra; một số cơ sở Hội chưa nắm bắt, khảo sát các đối tượng trên địa bàn dân cư để tuyên truyền, vận động vào tổ chức Hội. Chủ trương công tác vận động, kết nạp hội viên mới, tuy được quán triệt, nhưng các cấp Hội thực hiện chưa đầy đủ. Công tác phát triển hội viên chỉ chú trọng đến các đối tượng làm ngành nghề nông- lâm- thủy sản chưa mở rộng các đối tượng khác dẫn đến việc phát triển hội viên ngày càng khó khăn; chất lượng sinh hoạt ở chi tổ hội còn đơn điệu, nội dung sinh hoạt chưa phong phú, chưa thu hút các đối tượng vào tổ chức Hội; cán bộ Hội chưa nhiệt tình tâm huyết với công việc, còn lúng túng bị động… Nguyên nhân chủ yếu do chưa nhận thức đúng về vai trò, vị trí tổ chức Hội Nông dân; công tác tuyên truyền, vận động các cấp Hội chưa sâu sát, triệt để, quyết liệt; việc khảo sát các đối tượng, vận động tham gia vào tổ chức Hội còn chưa quyết liệt; công tác tham mưu cấp ủy cùng cấp về công tác Hội còn lúng túng bị động; kỹ năng về nghiệp vụ, phương pháp công tác, năng lực thực tiễn, năng lực tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác Hội của một số cán bộ còn hạn chế; chế độ đãi ngộ cho cán bộ làm công tác Hội chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác Hội và về phát triển hội viên trên địa bàn khu dân cư của một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên chưa cao nên chưa tập trung chỉ đạo, lãnh đạo phát triển thêm các chi hội, tổ hội và hội viên mới; việc đề cử cán bộ để bố trí làm công tác Hội chưa đảm bảo theo yêu cầu; một số cán bộ Hội không muốn làm công tác Hội, nếu có làm thì cầm chừng, không nhiệt tình… Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018-2023. Ban Thường vụ Thành Hội xây dựng Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả vận động, kết nạp hội viên nông dân trong tình hình mới, giai đoạn 2018-2023, góp phần tích cực vào xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, xây dựng thực lực chính trị ở địa phương ngày càng vững chắc. III. Căn cứ xây dựng đề án Điều lệ và Hướng dẫn thực hiện điều lệ Hội Nông dân Việt Nam. Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018-2023. PHẦN THỨ HAI MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, GIẢI PHÁP VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU I. Mục đích, yêu cầu 1. Mục đích Đổi mới nâng cao hiệu quả vận động, kết nạp hội viên ở cơ sở nhằm phát triển thêm hội viên mới nông dân ở nông thôn, khu dân cư; qua đó, các cấp Hội tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và các Nghị quyết của Hội cấp trên; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018-2023. Tạo sự chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức và hành động trong cán bộ và Hội Nông dân các cấp đối với công tác Hội trong giai đoạn hiện nay, khắc phục tình trạng tổ chức Hội ngày càng giảm vì không có nguồn để phát triển hội viên. Việc đổi mới nâng cao hiệu quả vận động, kết nạp hội viên ở cơ sở tạo tiền đề cho các cấp Hội xây dựng Chi, tổ hội nghề nghiệp theo Đề án số 03-ĐA/HNDT, ngày 27/12/2018 của Ban Chấp hành Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng, từ đó nâng cao hiệu quả công tác Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới. Kịp thời đánh giá đúng ưu điểm của việc phát triển hội viên trong tình hình hiện nay, khắc phục tình trạng “hội viên ảo”, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội và phát triển hội viên ở cơ sở. 2. Yêu cầu Việc đổi mới, nâng cao hiệu quả vận động, kết nạp hội viên ở cơ sở cần thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, không hình thức nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển hội viên trong tình hình mới, nhất là trong quá trình đô thị hóa. Việc đổi mới, nâng cao hiệu quả vận động, kết nạp hội viên ở cơ sở vừa phát triển hội viên gắn liền chất lượng hội viên và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh. II. Các chỉ tiêu chủ yếu 1. Hằng năm phát triển mới từ 2.000 hội viên trở lên (phấn đấu tỷ lệ hội viên giảm không quá 75% so với số hội viên phát triển mới). 2. Hằng năm, mỗi quận, huyện xây dựng được ít nhất 01 mô hình, cách làm hay, mới về vận động, kết nạp hội viên. 3. 100% hội viên phát triển mới được cấp thẻ hội viên 4. 100% chi hội thực hiện đúng hướng dẫn về nội dung, hình thức tổ chức Đại hội chi hội hết nhiệm kỳ theo đúng quy định của Trung ương Hội. 5. 100% cán bộ chi, tổ hội nhiệm kỳ 2018-2023 được tham gia các lớp tập huấn về công tác xây dựng Hội do Trung ương, Thành phố và quận, huyện, xã, phường tổ chức. 6. 95% chi hội và 100% cơ sở Hội đạt tiêu chí vững mạnh 7. 100% cơ sở hội, quận, huyện hội đưa chỉ tiêu thi đua phát triển hội viên vào chỉ tiêu thi đua hằng năm và có từ 95% cơ sở hội trở lên hoàn thành chi tiêu phát triển hội viên mới. III. Các giải pháp thực hiện Đổi mới, nâng cao hiệu quả vận động, kết nạp hội viên ở cơ sở, tuyên truyền, vận động đông đảo nông dân, cán bộ công chức, viên chức nghỉ hưu, các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân… vào Hội, từng bước nâng cao chất lượng hội viên. Trong điều kiện thực tế hiện nay, trên địa bàn khu dân cư ngoài tổ chức Hội Nông dân còn có nhiều đoàn thể khác như: Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi… nên các đoàn thể này thường tuyên truyền vận động người dân vào tổ chức của mình. Vì vậy để phát triển hội viên trong tình hình mới, phấn đấu mỗi hộ nông dân có ít nhất một lao động chủ chốt vào Hội, cần thực hiện tốt các giải pháp sau: 1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị, tư tưởng Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp Hội, cán bộ, đảng viên về mục đích, vai trò, ý nghĩa của tổ chức Hội Nông dân. Người đứng đầu các cấp Hội phải nhận thức đầy đủ và chủ động quán triệt, triển khai thực hiện các nhiệm vụ về công tác Hội và phong trào nông dân. Mỗi cán bộ hội cần tuyên truyền cho hội viên, nông dân hiểu rõ và đầy đủ những truyền thống tốt đẹp cách mạng của dân tộc, của Đảng, của giai cấp nông dân và Hội Nông dân, từ đó để họ giữ gìn, phát huy; đồng thời đấu tranh chống những biểu hiện trái đạo đức, các tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan… tạo một bước chuyển biến mới về công tác tuyên truyền phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương. Công tác tuyên truyền phải phổ biến, giải thích cho cán bộ, hội viên, nông dân hiểu rõ về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, công tác tuyên truyền cần phổ biến, giải thích để nông dân hiểu rõ về tổ chức hội tự nguyện xin vào Hội, tự giác tham gia sinh hoạt và thực hiện các chương trình công tác của Hội. Các cấp Hội thường xuyên phối hợp các báo, đài tuyên truyền về công tác Hội và phong trào nông dân để người dân hiểu thêm về tổ chức Hội Nông dân. 2. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Hội Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội nhất là cấp cơ sở và dưới cơ sở, nội dung sinh hoạt chi hội, tổ hội phải có chủ đề, bám sát chương trình công tác của Hội hằng tháng, hàng quý; tập trung vào những vấn đề thiết thực đối với hội viên, nông dân và Hội thực sự đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên, nông dân thu hút ngày càng nhiều nông dân vào Hội. Tổ chức sinh hoạt và hoạt động của chi hội, tổ hội theo nguyên tắc: - Mọi công việc của chi hội, tổ hội do hội viên thảo luận, quyết định, khi biểu quyết thì thiểu số phục tùng đa số. Cán bộ chi tổ hội có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quyết định của chi hội, tổ hội. - Hình thức sinh hoạt chi hội đa dạng, phong phú, có thể định kỳ theo chuyên đề, hoặc bất thường. Buổi sinh hoạt nên ngắn gọn, nếu có nhiều vấn đề phải bàn bạc, thống nhất thì giải quyết dứt điểm từng vấn đề một, xong vấn đề này mới chuyển vấn đề khác, nội dung sinh hoạt phải bám sát yêu cầu thực tiễn, nhiệm vụ chính trị của địa phương, những vấn đề bức xúc, thiết thân của hội viên. Tránh sinh hoạt qua loa, hình thức do cán bộ chi hội, tổ hội chưa chuẩn bị kỹ về nội dung và như vậy sẽ không đem lại kết quả. - Trong sinh hoạt cần phát huy tính dân chủ và sáng tạo để hội viên được biết, được bàn mọi công việc của Hội, tạo nên sự thống nhất trong tư tưởng, hành động. 3. Mở rộng các hình thức dịch vụ hỗ trợ, tư vấn giúp nông dân phát triển sản xuất kinh doanh - Tăng nguồn vốn cho Quỹ Hỗ trợ nông dân bằng việc phối hợp với UBND các cấp ủy thác vốn vào Quỹ Hỗ trợ nông dân; các cấp Hội quản lý, sử dụng quỹ hỗ trợ nông dân ngày càng tốt hơn, phục vụ cho hội viên, nông dân phát triển sản xuất kinh doanh, vươn lên thoát khỏi đói nghèo và làm giàu. Phối hợp tốt các ngân hàng (Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng NN&PTNT…) để tạo nguồn vốn cho hội viên nông dân vay để đầu tư vào kinh doanh sản xuất. - Tham gia xây dựng và thực hiện các dự án kinh tế xã hội để tạo việc làm và nâng cao đời sống cho nhân dân, nhằm từng bước hỗ trợ tích cực cho hội viên nông dân, để hội viên nông dân chủ động tham gia Hội. - Bồi dưỡng, đào tạo nghề, phổ biến hướng dẫn khoa học - kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất giỏi tại chỗ cho nông dân: Các cấp Hội phối hợp các ngành có liên quan có các hình thức bồi dưỡng, đào tạo nghề, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật và kinh nghiệm sản xuất cho nông dân phù hợp với đặc điểm, tập quán, trình độ ở từng địa phương. Tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất của các điển hình tiên tiến, các điểm trình diễn kỹ thuật để cho nông dân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm sản xuất. 4. Về công tác cán bộ - Các cấp Hội cần tiếp tục tham mưu cho cấp ủy cùng cấp để lựa chọn và cử cán bộ làm công tác Hội phải là những người nhiệt tình với công tác hội; có kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh; có năng lực vận động, thuyết phục hội viên, nông dân; gương mẫu về đạo đức, lối sống; gần gũi, sâu sát quần chúng; có uy tín với hội viên, nông dân. - Tuyên truyền, tập huấn cho đội ngũ cán bộ hội các cấp, nhất là cán bộ chi, tổ hội về đổi mới phương pháp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ Hội ở cấp cơ sở theo phương pháp tích cực, trực quan, hướng dẫn cụ thể. - Quan tâm, đề xuất, kiến nghị điều chỉnh chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ làm công tác Hội Nông dân; đầu tư cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, trang thiết bị phục vụ cho công tác hội, nhất là đối với cấp cơ sở. 5. Làm tốt công tác tham mưu cấp ủy Đảng về công tác tạo nguồn phát triển hội viên Các cấp Hội, nhất là chi, tổ hội phải làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng cùng cấp về công tác phát triển hội viên. Trong đó, cần làm tốt các nội dung sau đây: - Xây dựng kế hoạch chủ động khảo sát nguồn hội viên trên địa bàn dân cư; - Đề xuất với cấp ủy về thành phần chủ yếu để phát triển hội viên mới; - Tiếp cận, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng và tuyên truyền, phổ biến về tổ chức và Điều lệ Hội, vận động vào hội; - Hướng dẫn viết đơn vào tổ chức Hội và tổ chức kết nạp hội viên nghiêm túc, đúng theo điều lệ hướng dẫn. IV. Kinh phí triển khai Kinh phí hoạt động của Đề án được huy động từ các nguồn: - Kinh phí ngân sách cấp hàng năm của các cấp Hội. - Hội phí được trích để lại ở các cấp Hội, nguồn quỹ của chi, tổ Hội. - Vận động sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân. PHẦN THỨ BA TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Ban, Văn phòng Thành Hội - Các Ban, Văn phòng thành hội tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể tham mưu Thường trực Thành Hội chỉ đạo và tổ chức thực hiện Đề án đạt hiệu quả. - Giao Ban Tổ chức - Kiểm tra Hội Nông dân thành phố là cơ quan chủ công tham mưu triển khai thực hiện Đề án. 2. Hội Nông dân các quận, huyện : Có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Đề án đến các tổ chức cơ sở Hội; xây dựng chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án. 3. Hội Nông dân cấp cơ sở, chi, tổ hội - Cơ sở Hội tổ chức xây dựng Kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện Đề án này và các văn bản hướng dẫn có liên quan của cấp trên cụ thể, hiệu quả, sát với tình hình của địa phương - Các chi, tổ hội tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án bằng các việc làm thiết thực, đổi mới, linh hoạt, phù hợp với chi, tổ hội. Trên đây là Đề án đổi mới, nâng cao hiệu quả vận động, kết nạp hội viên nông dân trong tình hình mới, giai đoạn 2018-2023 của Ban Chấp hành Hội Nông dân thành phố khóa VIII, nhiệm kỳ 2018-2023. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc, đề nghị báo cáo Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố (qua Ban Tổ chức- Kiểm tra) để được hướng dẫn thực hiện./. |
Đính kèm: |
1.02. De an phat trien hoi vien 2018-2023.pdf |
|
Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả vận động, kết nạp hội viên nông dân trong tình hình mới, giai đoạn 2018-2023 | |||
---|---|---|---|
Số kí hiệu | 02-ĐA/HNDT | Người ký | Nguyễn Đình Khánh Vân |
Ngày ban hành | 27/12/2018 | Ngày xuất bản | 27/12/2018 |
Ngày hiệu lực | 27/12/2018 | Ngày hết hiệu lực | |
Lĩnh vực | Loại văn bản | Văn bản hội | |
Cấp ban hành | Cơ quan ban hành | Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng |