
Văn bản pháp quy
Trích yếu nội dung |
---|
Đề án Xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp tạo tiền đề hình thành Tổ hợp tác, Hợp tác xã trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ giai đoạn 2018 -2023 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng |
Nội dung chi tiết |
ĐỀ ÁN Xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp tạo tiền đề hình thành Tổ hợp tác, Hợp tác xã trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ giai đoạn 2018 -2023 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng -----
PHẦN THỨ NHẤT Sự cần thiết và căn cứ xây dựng Đề án
1. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án Hội Nông dân Việt Nam thành phố Đà Nẵng là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp nông dân trên địa bàn thành phố có chức năng tập hợp, vận động, giáo dục hội viên, nông dân phát huy quyền làm chủ, tích cực học tập nâng cao trình độ, năng lực về mọi mặt; Đại diện giai cấp nông dân tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân; Tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong sản xuất và đời sống. Hệ thống tổ chức Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng hình thành ở ba cấp thành phố, 7 quận, huyện và 42 xã, phường, 753 chi hội, tổng số hội viên có mặt đến 30 tháng 6 năm 2018 là 44.455 người. Việc xây dựng tổ chức cơ sở hội cơ bản thực hiện theo đơn vị hành chính cấp xã, phường. Tổ chức hội trong trong các đơn vị kinh tế doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế, chưa được hình thành. Hầu hết Chi hội được tổ chức theo khu vực thôn, tổ dân phố, số hội viên đông, đa dạng trong nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh vì vậy hoạt động chi hội, tổ hội hiện nay khó xây dựng được nội dung sinh hoạt phù hợp với tất cả các hội viên trong cùng một chi, tổ hội, nên thường ít thiết thực, hiệu quả thấp. Vì vậy, việc đổi mới hình thức tổ chức chi, tổ hội theo nghề nghiệp là yêu rất cần thiết từ thực tiễn hiện nay. Thông qua việc hình thành các chi tổ hội nghề nghiệp sẽ góp phần hạn chế khó khăn trong sinh hoạt, nâng cao hiệu quả hoạt động của chi, tổ hội, tạo tiền đề hình thành Tổ hợp tác, Hợp tác xã trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ. Xuất phát từ tình hình trên, Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng xây dựng Đề án “Xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp tạo tiền đề hình thành Tổ hợp tác, Hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ giai đoạn 2018 -2023” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. 2. Căn cứ xây dựng Đề án - Điều lệ và Hướng dẫn thực hiện điều lệ Hội Nông dân Việt Nam. - Kế hoạch số 01-KH/TU ngày 31 tháng 3 năm 2016 của Thành ủy Đà Nẵng về tiếp tục thực hiện Kết luận số 61-KL/TW ngày 03-12-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về Đề án “ Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 – 2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016 – 2020”. - Đề án số 24 – ĐA/HNDTW ngày 23 tháng 6 năm 2016 của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp. - Quyết định số 3594/QĐ-BNN-KTHT ngày 13 tháng 9 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020”. - Kế hoạch số 5068/KH-UBND, ngày 05/7/2017 của UBND thành phố Đà Nẵng về triển khai thực hiện Đề án “Chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. PHẦN THỨ HAI Mục đích, yêu cầu, mục tiêu và nội dung chính của Đề án I. Mục đích, yêu cầu 1. Mục đích, yêu cầu - Đổi mới đa dạng hóa mô hình tổ chức Hội ở cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng hoạt động và xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh. Nâng cao vai trò của Hội Nông dân cơ sở trong việc là trung tâm nòng cốt của phong trào nông dân và là động lực của quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi đơn vị xã, phường. - Từng bước đổi mới mô hình chi, tổ hội được hình thành trên cơ sở cộng đồng dân cư sang mô hình tổ chức chi, tổ hội nghề nghiệp hình thành trên cơ sở tập hợp, gắn bó hội viên có chung lợi ích và trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. - Việc xây dựng các chi, tổ hội nghề nghiệp sẽ tạo tiền đề cho việc hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần đổi mới và thúc đẩy xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở khu vực nông thôn, khai thác nuôi trồng thủy sản, tăng cường mối liên kết giữa hộ nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức khoa học, hiệp hội ngành hàng và thị trường tiêu thụ sản phẩm để hỗ trợ kinh tế hộ phát triển theo hướng gia trại, trang trại, tổ hợp tác sản xuất có quy mô phù hợp, sản xuất hàng hoá. - Việc thành lập các chi hội, tổ hội nghề nghiệp, tổ đoàn kết cần tránh hình thức, đảm bảo đạt được tiêu chí 5 cùng: Cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi. - Khuyến khích các xã, phường có chi, tổ hội nghề nghiệp tiếp tục vận động xây dựng phát triển thêm các chi, tổ hội nghề nghiệp mới. - Riêng 2 đơn vị được chọn làm điểm (Hội Nông dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang và Hội Nông dân phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), giai đoạn 2018-2023 phải xây dựng được từ 03 - 05 chi, tổ hội nghề nghiệp trở lên. - Việc xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp phải thực hiện nghiêm túc, chất lượng, từ việc thành lập đến duy trì hoạt động thường xuyên nề nếp và phong phú về nội dung. 2. Mục tiêu phân kỳ thực hiện 2.1. Đối với các chi, tổ hội nghề nghiệp thành lập mới - Năm 2019, mỗi quận, huyện phấn đấu có ít nhất 20% tổng số xã, phường có hội nông dân thành lập được chi, tổ hội nghề nghiệp mới. Phấn đấu xây dựng được ít nhất 01 Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã từ các chi, tổ hội nghề nghiệp. - Năm 2020, mỗi quận, huyện phấn đấu có thêm 30% tổng số xã, phường có hội nông dân thành lập được chi, tổ hội nghề nghiệp mới (nâng tổng số xã, phường có chi, tổ hội nghề nghiệp mới lên 50%). Phấn đấu xây dựng được thêm 01-02 Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã từ các chi, tổ hội nghề nghiệp đã thành lập. - Năm 2021, mỗi quận, huyện phấn đấu có thêm 20% tổng số xã, phường có hội nông dân thành lập được chi, tổ hội nghề nghiệp mới (nâng tổng số xã, phường có chi, tổ hội nghề nghiệp mới lên 70%). Phấn đấu xây dựng được thêm 01-02 Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã từ các chi, tổ hội nghề nghiệp đã thành lập. - Năm 2022, mỗi quận, huyện phấn đấu có thêm 20% tổng số xã, phường có hội nông dân thành lập được chi, tổ hội nghề nghiệp mới (nâng tổng số xã, phường có chi, tổ hội nghề nghiệp mới lên 90%). Phấn đấu xây dựng được thêm 01-02 Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã từ các chi, tổ hội nghề nghiệp đã thành lập. - Năm 2023, có 100% tổng số xã, phường có hội nông dân thành lập được chi, tổ hội nghề nghiệp mới và có tổng cộng từ 06-10 Tổ hợp tác hoặc Hợp tác xã được thành lập từ các chi, tổ hội nghề nghiệp. 2.2. Đối với các chi, tổ hội nghề nghiệp hiện đã có - Thực hiện việc rà soát, củng cố lại hoạt động các chi, tổ hội nghề nghiệp. - Hướng dẫn tổ chức các hoạt động của chi, tổ hội nghề nghiệp đúng theo quy chế hoạt động đề ra. - Đối với các chi, tổ hội nghề nghiệp hoạt động tốt, có chiều hướng phát triển thì tiến hành xúc tiến vận động thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã. II. Nội dung của Đề án 1. Nguyên tắc, tổ chức và hoạt động của Chi hội, Tổ hội nghề nghiệp - Tổ chức và hoạt động của chi, tổ hội nghề nghiệp phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, phối hợp hoạt động của hội viên và tuân thủ Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam. - Việc xây dựng mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp cần thực hiện chặt chẻ, có sự tập trung chỉ đạo và đầu tư nguồn lực cho việc xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, tổ đoàn kết, liên kết kinh tế biển một cách thiết thực, hiệu quả, bền vững. - Để đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, mỗi chi, tổ hội nghề nghiệp chịu sự lãnh đạo của một chi bộ đảng (là chi bộ của khu vực có đông số lượng hội viên tham gia sinh hoạt). 2. Nội dung và các bước tiến hành xây dựng Chi, tổ hội nghề nghiệp 2.1. Nội dung xây dựng chi, tổ hội hội nghề nghiệp. * Đối tượng tham gia chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp: - Là những hội viên, nông dân cư trú cùng một thôn, tổ dân phố hoặc khác thôn, tổ dân phố, nhưng cùng trong một xã, phường và cùng sản xuất một loại giống, cây, con hay cùng kinh doanh, cùng làm dịch vụ một nhóm ngành, nghề, lĩnh vực, có những điểm chung về sử dụng tư liệu sản xuất, công cụ lao động, về phương thức tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, về thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông, thủy sản hàng hóa hoặc những hội viên có nhu cầu liên kết sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… hướng tới mục tiêu thành lập Tổ hợp tác, Hợp tác xã. - Chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp cũng có thể được hình thành trên cơ sở các tổ vay vốn, nhất là các tổ vay từ nguồn vốn của Quỹ Hỗ trợ nông dân, từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc các tổ chức tín dụng, tài chính khác phối hợp với Hội Nông dân cho vay vốn theo nhóm hộ (bằng hình thức tín chấp). 2.2. Quy mô và hình thức tổ chức chi, tổ hội nghề nghiệp - Số lượng hội viên Tổ hội nghề nghiệp tối thiểu từ 10 hội viên trở lên, có tổ trưởng, tổ phó. - Số lượng hội viên một Chi hội nghề nghiệp tối thiểu từ 20 hội viên trở lên có Chi hội trưởng và Chi hội phó và trực thuộc Hội Nông dân xã, phường. - Trường hợp Chi hội nghề nghiệp có trên 100 hội viên cần thành lập 2 tổ hội trực thuộc chi hội. 2.3. Các bước tiến hành thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp - Bước 1: BCH Hội Nông dân xã, phường tiến hành khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nhu cầu tham gia chi hội nghề nghiệp hoặc tổ hội nghề nghiệp, tổ đoàn kết, liên kết kinh tế biển của hội viên, nông dân trên địa bàn xã, phường. - Bước 2: Hội Nông dân xã, phường, cùng các thành viên họp thảo luận, bàn bạc, thống nhất chủ trương và báo cáo cấp ủy, chính quyền cùng cấp về việc thành lập các chi, tổ hội nghề nghiệp. - Bước 3: Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân tham gia chi, tổ hội nghề nghiệp; xây dựng quy chế hoạt động. - Bước 4: Khi đã hội đủ điều kiện để thành lập chi, tổ hội nghề nghiệp Ban Chấp hành Hội Nông dân cơ sở ra quyết định thành lập, chỉ định hoặc hướng dẫn bầu chi hội trưởng, chi hội phó (đối với chi hội), bầu tổ trưởng, tổ phó (đối với tổ hội nghề nghiệp). - Bước 5: Tổ chức ra mắt chi hội, tổ hội nghề nghiệp; thông qua quy chế hoạt động của chi, tổ hội nghề nghiệp. 3. Chế độ sinh hoạt và nội dung hoạt động của chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp 3.1. Chế độ sinh hoạt: Thời gian sinh hoạt của Chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp đảm bảo ít nhất 3 tháng/lần. Tùy tình hình thực tế của địa phương hoặc đặc điểm sản xuất, kinh doanh, các chi, tổ hội định ngày sinh hoạt định kỳ phù hợp. 3.2. Nội dung sinh hoạt, hoạt động: Nội dung sinh hoạt, hoạt động của chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, tập trung vào việc trao đổi thông tin về thời tiết nông vụ, về thị trường, giá cả, về thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, khai thác thủy, hải sản, các loại giống cây con, về phòng trừ dịch bệnh, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, về sáng kiến, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, về cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý và sử dụng hiệu quả vốn vay… Bên cạnh đó vẫn đảm bảo các nội dung sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam để thực hiện chức năng tuyên truyền, giáo dục hội viên, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, nông dân. 4. Kinh phí hoạt động Kinh phí hoạt động của chi hội nghề nghiệp tổ hội nghề nghiệp, được huy động từ các nguồn: - Hội phí được trích để lại ở chi hội, tổ hội; - Vận động hội viên nông dân, các nhà mạnh thường quân ủng hộ; - Nguồn phí ủy thác vốn vay được trích lại cho chi hội, tổ hội (nếu có); - Hội Nông dân cấp xã hỗ trợ (nếu có). * Phụ cấp cho cán bộ chi hội, tổ hội được trích từ quỹ của chi hội, tổ hội nhưng phải được quy định cụ thể trong quy chế hoạt động của chi hội, tổ hội.
PHẦN THỨ BA Tổ chức thực hiện 1. Hội Nông dân các quận, huyện - Căn cứ Đề án của Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố, ban hành kế hoạch và chỉ đạo triển khai xây dựng mô hình Chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương, đơn vị. - Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về thành hội Hội (qua Ban Kinh tế -Xã hội) để theo dõi, kiểm tra. 2. Hội Nông dân các xã, phường - Căn cứ Đề án của Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố, Kế hoạch của Hội Nông dân quận, huyện triển khai xây dựng mô hình Chi hội nghề nghiệp, Tổ hội nghề nghiệp phù hợp với tình hình, điều kiện của địa phương, đơn vị mình. - Hội Nông dân thành phố chọn 2 đơn vị: Hội Nông dân phường Thọ Quang, quận Sơn Trà và Hội Nông dân xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang làm đơn vị điểm để triển khai thực hiện. Trên đây là Đề án Xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp tạo tiền đề hình thành Tổ hợp tác, Hợp tác xã trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ giai đoạn 2018 -2023 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, báo cáo Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố (qua Ban Kinh tế - Xã hội) để có hướng dẫn, chỉ đạo./. |
Đính kèm: |
1.03. De an chi to hoi nghe nghiep 2018-2023.pdf |
|
Đề án Xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp tạo tiền đề hình thành Tổ hợp tác, Hợp tác xã trong các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại dịch vụ giai đoạn 2018 -2023 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng | |||
---|---|---|---|
Số kí hiệu | 03-ĐA/HNDT | Người ký | Nguyễn Đình Khánh Vân |
Ngày ban hành | 27/12/2018 | Ngày xuất bản | 27/12/2018 |
Ngày hiệu lực | 27/12/2018 | Ngày hết hiệu lực | |
Lĩnh vực | Loại văn bản | Văn bản hội | |
Cấp ban hành | Cơ quan ban hành | Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng |