Văn bản pháp quy Văn bản pháp quy

Trích yếu nội dung
Chương trình hành động Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Cơ sở Hội từ nay đến năm 2018
Nội dung chi tiết

    HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM                                                      Đà Nẵng, ngày 20 tháng 01 năm 2014

BCH HND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

                            *

            Số 01-CTr/HNDT

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức

Cơ sở Hội từ nay đến năm 2018

         

        Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân thành phố lần thứ VII; thực hiện chương trình công tác toàn khóa; Hội nghị Ban chấp hành Hội Nông dân thành phố lần thứ III (khóa VII) thống nhất đánh giá thực trạng tổ chức cơ sở Hội hiện nay và xây dựng chương trình hành động tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức cơ sở Hội từ nay đến năm 2018 như sau:

          I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG TỔ CHỨC CƠ SỞ HỘI HIỆN NAY

          1. Công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, hội viên, nông dân luôn được xác định là nhiệm vụ hàng đầu; các cơ sở Hội thường xuyên tổ chức tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chủ trương nhiệm vụ của Hội và của địa phương thông qua các hình thức như: tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, văn nghệ cổ động, hội thi, hội diễn…, vừa tổ chức nhiều buổi tuyên truyền chuyên đề với những chủ đề thiết thực, vừa chỉ đạo công tác tuyên truyền gồm nhiều nội dung phong phú được gắn kết trong các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội; đặc biệt cuộc vận động “Người cán bộ Hội và nông dân tiêu biểu xuất sắc làm theo Bác Hồ” do Thành Hội phát động đã đạt được những kết quả cụ thể và thiết thực. Trong những năm qua công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân đã góp phần quan trọng tạo nên đồng thuận xã hội góp phần xây dựng thành phố ổn định và phát triển. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền vẫn còn nặng pha đợt, chưa có hướng dẫn nội dung cụ thể những thông tin cần thiết để chi tổ Hội phổ biến thường xuyên trong các buổi sinh hoạt định kỳ; mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cơ sở và dưới cơ sở chưa được quan tâm cả về tổ chức và bồi dưỡng kỷ năng, nghiệp vụ hoạt động.

          2. Chất lượng tổ chức Hội cơ sở, chi, tổ Hội và hội viên:

          - Cơ sở Hội: Hiện nay thành phố có 42/56 xã, phường có tổ chức Hội Nông dân (trong đó có 31 cơ sở thuộc phường, 11 cơ sở Hội thuộc xã) quy mô cơ sở Hội có hội viên ít nhất là 220 hội viên, nhiều nhất là 2.994 hội viên; qua kiểm tra hầu hết BCH Hội cơ sở đều xây dựng quy chế làm việc, có chương trình công tác toàn khóa, chương trình công tác Hội và phong trào nông dân, hằng năm có chương trình phối hợp liên ngành cụ thể và thiết thực, thường xuyên đổi mới phương thức hoạt động thích hợp với từng địa bàn có đặc thù khác nhau, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động đẩy mạnh các phong trào và nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Qua phân loại hằng năm 42/42 cơ sở Hội đều đạt vững mạnh, khá không có trung bình yếu. Tuy nhiên, việc đổi mới phương thức để nâng cao chất lượng hoạt động ở cơ sở, chi, tổ Hội nhất là địa bàn nội thị vẫn nhiều lúng túng. 

           - Chi Hội: Được xác định là đơn vị hành động, là tế bào của Hội, là hạt nhân nòng cốt đoàn kết, tập hợp hội viên nông dân. Hiện nay thành phố có 711 chi hội (trong đó có 691 chi hội theo địa bàn dân cư, 20 chi hội theo nghề nghiệp và hợp tác xã) quy mô chi hội có hội viên ít nhất là 05 hội viên, nhiều nhất là 700 hội viên; trong những năm qua nhiều chi hội đã có những hoạt động thiết thực trong cộng đồng dân cư, nhiều chi hội nghề nghiệp đơn nghề hoặc đa nghề đã có những sáng tạo đổi mới phương thức hoạt động thích ứng. Ban Chấp hành chi hội giữ nề nếp sinh hoạt định kỳ, tổ chức sinh hoạt hội viên bằng nhiều hình thức phù hợp với quy mô và địa bàn; qua kiểm tra phân loại hằng năm có trên 95% chi hội đạt vững mạnh, khá. Hạn chế hiện nay ở chi hội là khó tổ chức sinh hoạt hội viên theo định kỳ nhất là ở những nơi có số lượng hội viên đông và những nơi không có nhà sinh hoạt cộng đồng, thường sinh hoạt ghép nội dung với tổ dân phố, thôn, có nơi nội dung sinh hoạt chi hội đơn điệu, thiếu tính hấp dẫn; qua kiểm tra hầu hết các chi hội nghề nghiệp chưa có quy chế hoạt động theo đặc thù của ngành nghề.

          - Tổ Hội: Là đơn vị dưới chi hội, đóng vai trò quan trọng trong tổ chức sinh hoạt, hoạt động thiết thực nhất là ở những chi hội có đông hội viên; hiện nay thành phố có 1729 tổ hội, trên 90% tổ hội sinh hoạt được hội viên, giải quyết tốt những vấn đề phát sinh mâu thuẫn trong nội bộ nông dân, góp phần thực hiện an sinh xã hội tại cộng đồng. Tuy nhiên, cán bộ làm tổ trưởng thường biến động, có những tổ hội với quy mô trên 50 hội viên (Hòa Vang) nhưng không có chế độ phụ cấp; phương thức, kỷ năng tổ chức sinh hoạt tổ hội chưa được hướng dẫn cụ thể theo từng địa bàn khác nhau.

          - Công tác hội viên: Theo Điều lệ Hội quy định: Hội viên nông dân bao gồm người lao động trong các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là những người sinh sống ở những nơi có tổ chức Hội gồm: cán bộ, công chức, viên chức, nghỉ hưu; lao động tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, du lịch, thương mại; các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân… Hiện nay, thành phố có 40.588 hội viên (chiếm 77%) so với tổng số hộ nông dân thành phố); đã cấp thẻ Hội đạt 65% so với tổng số hội viên; bình quân hằng năm phát triển trên 3.000 hội viên; công tác quản lý, tổ chức sinh hoạt hội viên được chú trọng, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt Hội đạt từ 50% - 70%; tài chính Hội luôn phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu, lực lượng cốt cán được xây dựng trên 800 cán bộ, hội viên hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên công tác phát triển hội viên theo yêu cầu thành phần vẫn còn thấp; chất lượng sinh hoạt và tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt còn hạn chế.

          3. Về công tác cán bộ: Qua Đại hội đại biểu Hội Nông dân cấp cơ sở Ban Chấp hành Hội Nông dân cơ sở được kiện toàn hiện nay có 720 ủy viên Ban Chấp hành (trong đó có 84 cán bộ chuyên trách và bán chuyên trách gồm chủ tịch và phó chủ tịch); 1.422 chi hội trưởng và chi hội phó; 1.729 tổ trưởng; theo đánh giá chung lực lượng cán bộ ở cơ sở và dưới cơ sở có năng lực và kinh nghiệm thực tiễn thực hiện công tác dân vận của Đảng; có uy tín với cộng đồng; có bản lĩnh và tâm huyết với công tác Hội và phong trào nông dân, đảm bảo   hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hạn chế trong công tác cán bộ ở cơ sở và dưới cơ sở hiện nay là công tác quy hoạch và kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng điều hành sinh hoạt và tổ chức các phong trào hành động của nông dân ở cơ sở.

          4. Công tác kiểm tra giám sát của Hội được tăng cường, hiện nay 42 cơ sở Hội đều có Ban Kiểm tra và Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” đã góp phần quan trọng trong công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở; tham gia giải quyết nhiều đơn thư, kiến nghị, khiếu nại và hòa giải thành các vụ việc trong nội bộ nông dân; tham mưu giúp cấp ủy Đảng và chính quyền cùng cấp kịp thời điều chỉnh các chủ trương phù hợp với nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của hội viên nông dân góp phần ổn định tư tưởng, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, hành động trên từng địa bàn dân cư. Tuy nhiên thông qua công tác kiểm tra, giám sát để phản biện xã hội và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền hoạch định những chủ trương mới phù hợp với nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tình hình mới vẫn còn nhiều hạn chế; chất lượng hoạt động của các Ban Kiểm tra và Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” chưa được phát huy đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao.

          5. Công tác thi đua-khen thưởng ở cơ sở Hội được chú trọng cả về ký kết giao ước thi đua, tổ chức các phong trào thi đua, kiểm tra bình chọn phân loại kết quả thi đua - khen thưởng hằng năm; nhiều cơ sở Hội liên tục phát động các phong trào thi đua thực hiện các phong trào hành động cách mạng thiết thực ở cơ sở nhằm nâng cao uy tín, góp phần củng cố xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh; nhiều gương điển hình tiên tiến kịp thời biểu dương khen thưởng thông qua cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Dù đã có nhiều cố gắng trong vận dụng và tổ chức thực hiện; tuy nhiên hiện nay ở cơ sở Hội vẫn chưa kịp thời bổ sung các tiêu chí hoàn chỉnh để đánh giá chất lượng cơ sở và chi, tổ Hội hằng năm theo từng địa bàn có những đặc thù khác nhau.

          II. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNGTỔ CHỨC CƠ SỞ HỘI ĐẾN NĂM 2018

          1. Phương hướng: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đổi mới phương thức hoạt động ở cơ sở và chi, tổ Hội; tập trung xây dựng các loại hình chi hội nhất là chi hội nghề nghiệp trực thuộc cơ sở, quận, huyện Hội và Thành Hội gắn với các loại hình kinh tế hợp tác để tập hợp nông dân; đặc biệt quan tâm công tác hội viên nhất là địa bàn nội thị; công tác thi đua - khen thưởng tiến hành, thường xuyên tạo thành động lực để củng cố phát triển tổ chức Hội và không ngừng đẩy mạnh các phong trào hành động cách mạng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thực tế của nông dân.

          2. Nhiệm vụ và giải pháp

          2.1. Công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng

         a) Nhiệm vụ: Phấn đấu hằng năm có 95% hội viên, nông dân được tuyên truyền phổ biến chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chủ trương nhiệm vụ của địa phương liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tích cực tổ chức, thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của chủ tịch Hồ Chí Minh. 

          b) Giải pháp

          - Xây dựng mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở và dưới cơ sở bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch cơ sở và chi hội trưởng ở các loại hình chi hội; kịp thời cung cấp thông tin để tuyên truyền phổ biến đến hội viên, nông dân trong các buổi sinh hoạt định kỳ của chi, tổ Hội.

          - Tổ chức và phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền chuyên đề có chủ đề thiết thực ở cơ sở và địa bàn dân cư.

          - Kiểm tra việc cung cấp, quản lý và hướng dẫn việc sử dụng báo nông thôn ngày nay nhất là ở chi, tổ Hội.

          - Khuyến khích hộ nông dân mua và sử dụng máy vi tính, khai thác thông tin phục vụ sản xuất và đời sống.

          - Tiếp tục hướng dẫn nâng cao chất lượng cuộc vận động “Người cán bộ Hội và nông dân tiêu biểu xuất sắc làm theo Bác Hồ”

          2.2. Công tác Tổ chức xây dựng Hội

          a) Nhiệm vụ: Hằng năm phấn đấu 100% cơ sở Hội, 95% chi, tổ Hội đạt vững mạnh, không có chi, tổ Hội yếu kém; phấn đấu phát triển 100% hộ nông dân có hội viên.

          b) Giải pháp

          - Đối với cơ sở Hội: Tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chấp hành, phát huy vai trò trách nhiệm của từng ủy viên BCH cơ sở; kiểm tra, bổ sung điều chỉnh quy chế làm việc; chương trình công tác toàn khóa; chương trình công tác hằng năm, chương trình phối hợp hành động; tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo hướng dẫn sinh hoạt, hoạt động của chi, tổ Hội theo đặc thù của từng địa bàn khác nhau.

          - Đối với chi, tổ Hội:

          + Chi, tổ Hội ở địa bàn nội thị có quy mô nhỏ cần tích cực thực hiện công tác phát triển hội viên; tổ chức sinh hoạt đúng định kỳ, nội dung sinh hoạt và hoạt động có trọng tâm, trọng điểm.

          + Chi hội ở địa bàn nông thôn có số lượng hội viên đông cần chú trọng xây dựng tổ Hội gắn với tổ dân cư (tổ đoàn kết) giữ vững nề nếp sinh hoạt tổ (đảm bảo có hội viên dự từ 80% trở lên); tổ chức các hoạt động thiết thực đáp ứng nhu cầu, cuộc sống ở thôn, xóm nhằm thu hút hội viên, nông dân tham gia.

          Trong thời gian tới, tiếp tục khảo sát mở rộng các loại hình chi hội nghề nghiệp theo phân cấp gắn với Hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ…; nhất là ở nội thị, nhằm tập hợp các thành phần nông dân vào tổ chức Hội để phát huy tốt hơn quyền, nghĩa vụ, nhiệm vụ của tổ chức Hội và hội viên.    

- Đối với công tác hội viên: Tập trung phát triển hội viên theo thành phần Điều lệ Hội quy định; quản lý hội viên đúng hướng dẫn, sinh hoạt hội viên đúng định kỳ có nội dung sinh hoạt thiết thực phù hợp với nhu cầu cuộc sống trên từng địa bàn dân cư, kiên quyết đưa ra khỏi Hội những hội viên không thực chất. Tích cực giúp đỡ giới thiệu những cán bộ, hội viên nông dân có đủ điều kiện để cơ sở Đảng xem xét kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động lực lượng cốt cán.

          2.3. Công tác cán bộ ở cơ sở Hội

          a) Nhiệm vụ: Phấn đấu 100% cán bộ Hội cơ sở, chi, tổ Hội được được bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội; từng cán bộ tự nâng cao kiến thức và năng lực thực tiễn về công tác Hội và tổ chức các phong trào nông dân ở cơ sở.

          b) Giải pháp

          - Thực hiện đúng nguyên tắc công tác cán bộ của cấp ủy Đảng; Hội cần nghiên cứu, tham mưu đề xuất với cấp ủy Đảng và Hội cấp trên về quy hoạch đội ngũ cán bộ Hội nhất là cán bộ chủ chốt.

          - Đề xuất với cấp ủy cùng cấp và chính quyền quan tâm cử và hổ trợ cán bộ Hội cơ sở tham gia học các lớp lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, nghiệp vụ chuyên môn đảm bảo kiến thức, năng lực quản lý và điều hành công tác Hội ở cơ sở.

          - Thực hiện phân cấp và phối hợp thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội đối với cán bộ Hội ở cơ sở, chi, tổ Hội.

          - Cung cấp các loại thông tin cần thiết để đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, chi, tổ Hội có kiến thức điều hành và tuyên truyền phổ biến trong hội viên, nông dân.

          2.4. Công tác kiểm tra, giám sát của Hội

          a) Nhiệm vụ: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Hội, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban kiểm tra và Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở cơ sở.

          b) Giải pháp

          - Tiến hành kiểm tra rà soát và tiếp tục hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động của các Ban Kiểm tra và Câu lạc bộ “Nông dân với pháp luật” ở cơ sở.

          - Thành Hội, quận, huyện Hội cung cấp các loại thông tin cần thiết để tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; tư vấn, trợ giúp pháp lý, hòa giải các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nông dân; kiên quyết ngăn chặn hội viên, nông dân khiếu nại, tố cáo không đúng pháp luật, đông người, vượt cấp tạo thành điểm nóng gây mất đoàn kết, không đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội.

          - Vận động hội viên, nông dân thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, thực hiện đời sống văn hóa ở khu dân cư.

          - Qua công tác kiểm tra, giám sát kịp thời nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của hội viên nông dân để phản ảnh với cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp và Hội cấp trên bổ sung điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với chủ trương “Tam nông” của Đảng, Chính phủ và của địa phương.

          2.5. Công tác thi đua, khen thưởng

          a) Nhiệm vụ: Đẩy mạnh công tác thi đua xây dựng Hội vững mạnh cả chính trị tư tưởng, tổ chức và hành động; khen thưởng đúng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc toàn diện và theo chuyên đề thật sự dân chủ, khách quan, đúng đối tượng và đúng thành tích.

          b) Giải pháp

          - Quận, huyện và cơ sở cụ thể hóa Hướng dẫn số 413-HD/HNDTW ngày 29/5/2012 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông Việt Nam về “đánh giá chất lượng tổ chức Hội cơ sở” và chỉ tiêu nhiệm vụ của Hội cấp trên trực tiếp giao, để xây dựng các tiêu chí ký kết giao ước thi đua, kiểm tra phân loại chất lượng cơ sở, chi, tổ Hội hằng năm.

          - Cơ sở Hội chủ động xây dựng chương trình, phong trào thi đua chuyên đề hằng năm, có sơ kết, tổng kết biểu dương khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để động viên phong trào.

          III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

          1. Đối với Thành Hội: Giao cho Ban Tổ chức - Kiểm tra chủ trì phối hợp với Văn phòng và các Ban tham mưu giúp Ban Thường vụ xây dựng kế hoạch và các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp của chương trình do Ban Chấp hành đề ra. Chú trọng hướng dẫn xây dựng điểm để phổ biến kinh nghiệm; tổ chức tổng kết chương trình trong năm 2018.

          2. Đối với quận, huyện Hội: Chủ động xây dựng các văn bản hướng dẫn theo phân cấp; tiến hành lãnh đạo, chỉ đạo đồng loạt, đồng thời chọn 01 cơ sở Hội làm điểm để thực hiện và tiến hành sơ kết vào cuối năm 2014 để phổ biến kinh nghiệm thực hiện đối với các cơ sở Hội.

          3. Đối với cơ sở Hội: Được xác định là chủ thể chính thực hiện toàn bộ nội dung chương trình; vừa triển khai đồng loạt vừa chọn 01 chi hội điểm để triển khai thực hiện; nghiêm túc tổ chức sơ kết kết quả hoạt động điểm trong năm 2014 để kịp thời phổ biến nhân ra diện rộng.

Ban Chấp hành Hội Nông dân thành phố (khóa VII) giao cho Ban Thường vụ, Thường trực Hội Nông dân thành phố triển khai thực hiện chương trình nâng cao chất lượng hoạt động ở cơ sở Hội từ nay đến năm 2018 đạt kết quả.

 

Nơi nhận:                                                                                       T/M BAN CHẤP HÀNH

- TW Hội;                                                                                                 CHỦ TỊCH

- Ban Tổ chức Thành ủy ĐN;

- Ban Dân vận Thành ủy ĐN;                                                                          (Đã ký)

- UVBCH Thành Hội;

- VP và các Ban Thành Hội;                                                                   Nguyễn Phú Ban  

- Quận, huyện Hội;

- 42 Cơ sở Hội, 711 Chi hội;

- Lưu VP, Ban TC-KT.                                                                                                                                          

Đính kèm:
1.01. Chuong trinh to chuc Hoi vung manh - 2018.doc
 






 

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

0 0 1 1 9 2 0 0 3 8
Hôm nay: 2.441
Hôm qua: 2.646
Tuần này: 2.441
Tháng này: 70.808
Tổng cộng: 11.920.038
Đăng nhập